Tinh hoa của nghề chính là cái tâm của người làm nghề, bất cứ nghề nghiệp nào có thể mang đến vinh quang cho gia tộc và bản thân đều xuất phát từ việc nghĩ cho nỗi thống khổ của lê dân bách tính. Lợi lộc và danh tiếng phải tạo từ phúc đức mới bền lâu. Thiên hạ đệ nhất mặc “Tử Ngọc Quang” – Tào Tố Công, nổi danh thiên hạ cũng xuất phát từ đây.
Triều đại nhà Thanh, thời Khang Hi, Ô Hải Đồ tuy là Tri phủ Huy Châu, nhưng ông ta thường ăn hối lộ, làm trái pháp luật, ức hiếp hương dân trăm họ, trong những năm tại nhiệm ngắn ngủi, đã biến thành cổ Huy Châu vốn xinh đẹp, giàu có, nhộn nhịp trở nên đói khổ, dân chúng bách tín khắp nơi oán thán. Không những thế, Ô Hải Đồ vì muốn con đường làm quan của mình thuận buồm xuôi gió nên đã phái thuộc hạ khắp nơi thu thập kỳ trân dị bảo tiến cống triều đình.
Một ngày nọ, ông ta dùng số tiền lớn mua chuộc tay mắt trong hoàng cung nên biết được Hoàng đế Khang Hi gần đây rất say mê “mặc bảo”*. Vì ngay trong nội thành Huy Châu do ông ta cai quản có rất nhiều người tài giỏi về chế tạo mực, trong đó có một người là tú tài Tào Tố Công. Mực do nhà người này chế tác ra dùng tài liệu khảo cứu, bản điêu khắc thân mực không đồ án văn tự nào trùng lặp, làm ra vô cùng tinh xảo, giống như một tác phẩm nghệ thuật thanh cao trang nhã.
* Mặc bảo, trong đó mặc (mực) là nén mực dạng khối đặc, người xưa thường mài với ít nước thành mực tàu dạng lỏng, dùng để viết chữ hay vẽ tranh; “mặc bảo” là nét chữ, bút pháp viết bằng mực tàu, bút lông của người tài hoa, rất quý giá, thường không bán; những ai kính trọng ái mộ thường xin về làm kỷ vật hoặc trưng bày.
Một mặc bảo khác của Tào Tố Công chế tác thời nhà Thanh (Viện Bảo tàng quốc gia Cố Cung)
Thế nhưng, Tào Tố Công là người tính tình cổ quái, không bao giờ chịu theo sự bố trí thiết kế của người khác, chỉ từ sự yêu thích của chính mình mà chế tác. Từng có rất nhiều quan lại quyền quý mang theo đồ án văn tự đến nhờ ông chế mực, đều bị ông từ chối. Lần này, Ô Hải Đồ cùng sư gia đích thân đến nhà Tào Tố Công thăm hỏi và nhờ ông chế mực. Không biết có phải do Ô Hải Đồ lạm dụng uy quyền ép bức hay không nhưng Tào Tố Công đã sảng khoái nhận lời. Những người biết đến việc này đều thở dài thất vọng, cũng có người cho rằng ông giả vờ thanh cao.
Tào Tố Công không buồn để ý đến những lời đồn đãi thị phi, tự mình dẫn người đến Thiên Đô Phong ở Hoàng Sơn chặt mấy cây thông già trăm năm, vận chuyển về phường mực. Sau khi trải qua nhiều công đoạn chế tác tỉ mỉ, chỉ còn một công đoạn cuối cùng là điêu khắc. Tào Tố Công bỏ ra 2 ngày 2 đêm nhốt mình trong phòng điêu khắc, cuối cùng hoàn thành xong mặc bảo mà Ô Hải Đồ mong muốn.
Khối mặc bảo hình bầu dục, tỏa hương thơm nhè nhẹ, trên mặt khắc tỉ mỉ tinh tế hình vẽ thành cổ Huy Châu và đỉnh Hoàng Sơn, Ô Hải Đồ vừa nhìn thấy, không khỏi vui mừng, mặt mày hớn hở nói:
“Tào tiên sinh quả nhiên là cao thủ chế mực, khó trách ông dám khắc lên mặt sau 5 chữ ‘Thiên hạ đệ nhất mặc’, thật là danh bất hư truyền! Nếu như có thể khiến Hoàng Thượng vui thích, bổn quan nhất định hậu thưởng ông”.
Không lâu, khối mặc bảo này đã xuất hiện trong ngự thư phòng của Hoàng đế Khang Hi. Khang Hi thấy 5 chữ “Thiên hạ đệ nhất mặc” này mạnh mẽ uy lực, không khỏi muốn thử xem mực này có chỗ nào kỳ lạ. Thế nên, đích thân ngài mài mực, cũng vung bút xuống giấy Tuyên Thành viết 5 chữ to “Thiên hạ đệ nhất mặc”.
Sau khi đợi cho chữ viết khô đi, Hoàng đế bắt đầu xem xét tỉ mỉ, lúc đầu chỉ thấy mực chữ trên giấy đen nhánh phát sáng, cũng giống bình thường không khác gì, thế nhưng khi nhìn xa ra, 5 chữ to lại phát ra hào quang màu tím nhạt.
“Quả thật là thiên hạ đệ nhất mặc bảo!”.
Hoàng đế Khang Hi không khỏi tán thưởng.
Lại cẩn thận xem, chợt phát hiện chữ “墨” (Mặc), trên dưới hai chữ được phân bố quá mở, không những không hợp kết cấu, mà mặt trời trên đỉnh Hoàng Sơn trong hình vẽ cũng không có tô bột kim. Hoàng đế trong lòng đầy nghi vấn, nghĩ thầm có cơ hội cũng muốn hỏi người thợ tài hoa chế mực này sự tình là thế nào.
Lúc tảo triều hôm sau, Hoàng đế lệnh cho tiểu thái giám đem khối “thiên hạ đệ nhất mặc” này cho quần thần thay nhau xem xét, còn đem chính 5 chữ to tự mình viết cho chúng thần xem. Tin tức thoáng chốc truyền đến thành Huy Châu làm Ô Hải Đồ rất đắc ý, bày tiệc rượu, mời gánh hát tuồng, ăn mừng liên tiếp náo nhiệt 3 ngày.
Tào Tố Công thật sự vang danh khắp nơi, những nhà kinh doanh mực đều nhao nhao đến thành Huy Châu đặt hàng mặc bảo, việc này khiến cho những người cùng nghề đều ghen tỵ, thế nhưng Tào Tố Công không một chút vui mừng, cả ngày chỉ cau mày thở dài.
(Ảnh Đại Kỷ Nguyên)
Thoáng chốc đã đến đầu xuân năm thứ hai, bỗng nhiên tại phường mực Tào gia xuất hiện hai vị thương gia, một người tướng mạo đường đường, tự xưng là nhà buôn mực “Hoàng Tam” đến từ kinh thành, một người nữa rõ ràng là tùy tùng. Hai người lấy ra một tờ ngân phiếu 2 vạn lượng, còn mang đến một thác đồ ghi chữ “Thiên hạ đệ nhất mặc”, nói là đã dùng số tiền lớn lót tay cho thái giám hoàng cung mới lấy được, muốn làm một bản giống y như vậy.
Tào Tố Công từ chối tại chỗ, nói:
“Vốn dĩ tưởng rằng Hoàng Thượng là người biết nhìn mực, thế nên tôi đã hao tâm tổn trí làm ra ‘Thiên hạ đệ nhất mặc’ cho ngài, thế nhưng xem ra thì Hoàng Thượng cũng không nhìn ra được ảo diệu bên trong mực của tôi rồi!”.
Hoàng Tam Gia nghe xong. nói:
“Ta nghe đại thần trong triều nói, Hoàng Thượng chẳng những tán thưởng mặc bảo của ngươi làm ra, hơn nữa còn đích thân đã viết 5 chữ to ‘Thiên hạ đệ nhất mặc’, còn nữa ngài đã phát hiện chữ viết ra nhìn nghiêng sẽ thấy hào quang tím nhạt, ngài nói rằng có cơ hội muốn gặp mặt ngươi nữa mà!”.
Tào Tố Công lắc đầu nói:
“Tôi không phải muốn Hoàng Thượng nhìn thấy mấy thứ đó, cái tôi muốn Hoàng Thượng nhìn ra là chữ và và hình vẽ trên thân mực điêu khắc ra! Mực chế được vừa dùng cho thư họa, cũng lại để Hoàng Thượng biết rõ cuộc sống bách tính Huy Châu khổ cực mới là điều chủ yếu!”.
Tào Tố Công thấy Hoàng Tam Gia không lên tiếng, bèn nói:
“Hoàng Tam Gia từ kinh thành xa xôi đến đây, không bằng cùng Hoàng Tam Gia ra ngoài một chuyến, còn chuyện chế mực sau này hãy thương lượng!”.
Hoàng Tam Gia lập tức đồng ý, vì thế 3 người cùng nhau đi đến đường lớn, nhìn thấy một người thanh niên quần áo nhếch nhác, đang quỳ gối trước cổng chào bát giác của Hứa Quốc Đại học sĩ dập đầu bái lạy, trong miệng thì thào nói:
“Hứa lão gia, xin người làm chủ cho vãn sinh… vãn sinh còn có nương tử…”
Hoàng Tam Gia thấy vậy liền vội hỏi sự tình, Tào Tố Công thấp giọng nói:
“Đây là Phương tú tài, mùa xuân năm trước hắn cũng nương tử đến ngoại ô thưởng tiết Thanh Minh, gặp phải công tử con của Tri phủ đại nhân, thấy nương tử hắn mỹ mạo phi phàm, liền ỷ có gia thế nên cướp đi, ai ngờ nương tử Phương tú tài là nữ tử can trường, khi đi qua cầu Vạn Niên đã nhảy xuống sông tự vẫn!”.
Hoàng Tam Gia nghe xong giận dữ hỏi:
“Chẳng lẽ ở đây không có vương pháp sao?”
Tào Tố Công lắc đầu nói:
“Tôi lại đưa người đến một chỗ, người sẽ biết rõ có vương pháp hay không”.
Bọn họ đi đến trước một đống hoang tàn ở cuối phố, Tào Tố Công chỉ vào đó nói:
“Nơi này vốn là nhà của Triệu Bách Vạn, người giàu nhất trong thành; chỉ vì Tri phủ đại nhân biết nhà ông ta có cải trắng phỉ thúy nhất tổ truyền, liền bắt ông ta giao nộp, nói là muốn cống cho Hoàng Thượng; thế nhưng, Triệu Bách Vạn không chịu, nên nửa đêm cùng ngày, ở đây phát lửa, cả nhà Triệu Bách Vạn hơn 20 người tất cả đều bị chết trong biển lửa; nghe nói, cái cải trắng phỉ thúy kia đã tiến hoàng cung, đương kim Hoàng Thượng nào đâu biết rằng cái phỉ thúy kia đã đổi lấy mạng của bao nhiêu người”.
Đi đã hơn nửa ngày, sắc trời đã tối, Hoàng Tam Gia phải về lữ quán nghỉ ngơi, hẹn ngày sau sẽ cùng Tào Tố Công thương lượng chuyện chế mực.
(Hình ảnh Đại Kỷ Nguyên)
Sáng sớm hôm sau, một mình Hoàng Tam Gia đến Tào gia, thần sắc thâm trầm nói:
“Ngày hôm qua cùng Tào tiên sinh đi một chuyến, sau khi trở về lại xem lại mực của tiên sinh chế tác, cảm thấy chữ “墨” (mặc) bên trong hình vẽ, khoảng cao thấp bị phân chia quá nhiều, thực là cố ý làm nên, rõ ràng là nói thành Huy Châu trong bức vẽ chính là thiên hạ đệ nhất “hắc thổ” (đất đen) hay sao!”.
Ghi chú: Chữ “墨” (mặc: mực) do hai chữ “黑” (hắc: đen) và “土” (thổ: đất) trên dưới ghép thành.
Tào tố công thở một hơi thật dài nói:
“Hoàng Tam Gia thật là tri kỷ của tôi! Nếu như Hoàng Thượng cũng giống như ngài, hiểu rõ bí mật bên trong mặc bảo này, có thể điều tra tên cẩu quan Ô Hải Đồ, cũng không uổng phí công tôi khổ tâm chế ra ‘Thiên hạ đệ nhất mặc’ rồi!”.
Hoàng Tam Gia nghe xong “Ah” một tiếng, nói:
“Tào tiên sinh không cần nản chí, làm nhiều chuyện bất nghĩa tất có báo ứng, theo ta thấy Ô Hải Đồ cũng còn sống không được mấy ngày nữa đâu!”.
Tào Tố Công liếc nhìn Hoàng Tam Gia, cười cười nói:
“Nếu thật đúng như lời Hoàng Tam Gia nói, Tào mỗ đến lúc đó sẽ trao cho người một khối ‘Thiên hệ đệ nhất mặc’ chân chính!”.
Thật không nghĩ tới lời mà Hoàng Tam Gia nói lại nhanh ứng nghiệm đến thế. Sáng ngày thứ hai, đại đội quan binh đã đến nội thành Huy Châu, bao vây từng toàn nha môn Tri phủ. Nguyên là Tuần phủ Lưỡng Giang là Văn Long đại nhân đã nhận được mật chỉ của Hoàng Thượng, đặc biệt mang binh đến Huy Châu điều tra Ô Hải Đồ. Ngay canh ba buổi trưa, Ô Hải Đồ đã bị áp giải đến pháp trường xử trảm trong khi miệng còn thức ăn. Sau khi Ô Hải Đồ bị trảm, dân chúng thành Huy Châu đều vui mừng khôn xiết, nhà nhà đốt pháo, so ra còn náo nhiệt hơn cả năm mới.
Lúc này, Tuần phủ Lưỡng Giang, Văn Long, cùng Hoàng Tam Gia và tùy tùng đi đến phường mực của Tào Tố Công, tùy tùng của Hoàng Tam Gia hét lớn một tiếng:
“Tào Tố Công, còn không mau quỳ xuống khấu kiến Hoàng Thượng!”.
Tào Tố Công dường như cũng không giật mình, dẫn một đám tiểu nhị quỳ xuống hô to:
“Hoàng Thượng vạn tuế vạn vạn tuế!”.
Hoàng Tam Gia cười tiến đến đỡ Tào Tố Công dậy nói:
“Kỳ thật thân phận địa vị của trẫm, Tào tiên sinh đã sớm biết, lần này cải trang vi hành có thể gặp được tiên sinh, chuyến đi này của trẫm quả thật không tệ!”
Tào Tố Công liền nói:
“Thảo dân không dám lừa gạt Hoàng Thượng, trong cung đình có vị họa sư là bạn đồng môn thuở nhỏ của thảo dân, ông ta từng cho thảo dân xem qua bức họa của Hoàng Thượng, cho nên khi Hoàng Thượng vừa tiến vào phường mực, nói muốn mua mặc bảo ‘Thiên hạ đệ nhất mực’, thảo dân đã đoán ra là ai rồi!”.
Nói xong Tào Tố Công quay người tiến vào phường mực, lúc đi ra trong tay bê lấy một khối mặc bảo hình bầu dục, Mặt trời đỉnh Hoàng Sơn cũng bôi bột kim rồi, đang lóe ra màu vàng kim óng ánh hào quang. Tào Tố Công mỉm cười nói:
“Hoàng Thượng, cái khối mực này là thần đã sớm làm xong rồi, phía dưới đó viết cái gì, xin thỉnh Hoàng Thượng ngự bút đề ạ!”.
Khang Hi Hoàng đế cười lớn nói:
“Trẫm cũng không thể học cái tên Ô Hải Đồ kia, lòng tham không đáy! Tào tiên sinh trước đây đã dâng một khối ‘Thiên hạ đệ nhất mặc’ cho trẫm rồi, còn cái khối mặc bảo này tiên sinh hãy giữ lại, bất quá cái này trẫm chỉ muốn đề chữ thôi!”.
Vì vậy, Hoàng đế sai người mang văn phòng tứ bảo đến (bút, mực, giấy, nghiên), tựu vung lên bút lông sói trên giấy Tuyên Thành mạnh mẽ viết xuống 3 chữ lớn “Tử ngọc quang” (ánh sáng ngọc màu tím), bên cạnh còn đề lạc khoản.
Về sau, Tào Tố Công đem 3 chữ “Tử Ngọc Quang” và lạc khoản “Khang Hi ngự bút”, điêu khắc lên mặt mặc bảo bầu dục, làm thành “trấn điếm chi bảo” của phường mực Tào gia. Từ đó, mặc bảo “Tử Ngọc Quang” danh tiếng khắp thiên hạ, mọi người không ngại ngàn dặm xa xôi đến đây cầu mua cho được mặc bảo Tào gia ở Huy Châu. Họ đến không chỉ vì danh khí mặc bảo mà đến, họ đến còn là vì kính ngưỡng đại sư Tào Tố Công đã dùng trí chế mực tố cáo tham quan cùng nhân phẩm cao thượng của ông.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét